Tìm hiểu về thị trường chứng khoán

Tìm hiểu về thị trường chứng khoán là gì ?

Thị trường chứng khoán là lĩnh vực phong phú, đa dạng ngành nghề và rất phức tạp, là nơi mua bán các cổ phần (chứng khoán) và thường được thực hiện chủ yếu tại sở giao dịch chứng khoán, một phần ở các công ty chứng khoán , và cả ở thị trường chuyển nhượng (chợ đen).

Về hình thức, thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán qua đó thay đổi chủ thể, tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của các cổ đông trong doanh nghiệp.

 

Khái niệm thị trường chứng khoán

  • Thị trường chứng khoán là một bộ phận quan trọng của thị trường huy động vốn, nó hoạt động nhằm huy động những nguồn vốn tiết kiệm nhỏ trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn tài trợ đầu tư cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và Chính Phủ để phát triển thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế hay cho các dự án đầu tư.
  • Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch các loại chứng khoán. Việc mua bán được tiến hành ở hai thị trường sơ cấp và thứ cấp. do vậy thị trường chứng khoán là nơi chứng khoán được phát hành và trao đổi.
    1. Thị trường sơ cấp: nhà đầu tư mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành.
    2. Thị trường thứ cấp: nơi diễn ra sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành qua Thị trường sơ cấp.
  • Hàng hóa, sản phẩm giao dịch trên Thị trường chứng khoán bao gồm: các cổ phiếu, trái phiếu và một số công cụ tài chính khác có thời hạn trên một năm.
  • Vị trí của thị trường chứng khoán trong thị trường Tài chính có hai thị trường lớn là:
    1. Thị trường Tài chính ngắn hạn là thị trường tiền tệ
    2. Thị trường Tài chính dài hạn (Thị trường vốn): bao gồm Thị trường tín dụng dài hạn (gồm Thị trường cho vay thế chấp và thị trường cho thuê tài chính); và Thị trường chứng khoán.
  • Đặc điểm chủ yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam
    1. Được đặc trưng bởi hình thức tài chính trực tiếp, người cần vốn và người cung cấp vốn đều trực tiếp tham gia thị trường, giữa họ không có trung gian tài chính thực hiện qua hành động mua bán cổ phiếu, cổ phần.
    2. Là thị trường cạnh tranh hoàn hảo: tất mọi người đều tự do tham gia vào thị trường và hưởng quyền như nhau thông qua hệ thống luật quy định chung. Không có sự áp đặt giá cả trên thị trường chứng khoán, mà giá cả ở đây được hình thành dựa trên quan hệ cung – cầu giữa bện mua và bên bán.
    3. Về cơ bản là một thị trường liên tục, sau khi các chứng khoán được phát hành trên thị trường sơ cấp, nó có thể được mua đi bán lại nhiều lần trên thị trường thứ cấp và qua tay nhiều nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán đảm bảo cho các nhà đầu tư có thể chuyển chứng khoán của họ thành tiền mặt bất cứ lúc nào họ muốn khi họ thực hiện giao dịch thành công.

Chức năng của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán có vai trò thực hiện các chức năng chủ yếu sau:

  1. Huy động vốn đầu tư trong xã hội cho nền kinh tế
  2. Cung cấp môi trường đầu tư công bằng cho các nhà đâu tư
  3. Cung cấp khả năng thanh toán cho các chứng khoán
  4. Đánh giá giá trị doanh nghiệp niêm yết và tình hình của nền kinh tế
  5. Tạo môi trường giúp nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô

Cơ cấu của thị trường chứng khoán

  • Căn cứ vào phương thức giao dịch:
  1. Thị trường giao dịch ngay : giao dịch mua bán theo mức giá của ngày hôm đó; việc thanh toán và giao hoán sẽ diễn ra sau đó vài ngày tùy theo mỗi thị trường chứng khoán quy định riêng số ngày (T+)
  2. Thị trường tương lai: Thị trường mua bán chứng khoán theo những hợp đồng mà giá cả được thỏa thuận ngay trong ngày giao dịch; việc thanh toán và giao hoán tiền và chứng khoán sẽ diễn ra trong một kỳ hạn ở tương lai (vài tháng hoặc lâu hơn).
  • Căn cứ vào tính chất chứng khoán đang giao dịch:
  1. Thị trường cổ phiếu
  2. Thị trường trái phiếu
  3. Thị trường chứng khoán phái sinh, bao gồm thị trường hợp đồng tương lai, hợp đồng lựa chọn mua bán với mức giá định trước trong tương lai  – Đây là thị trường cấp cao mua bán chuyển giao các công cụ tài chính cấp cao; Do đó thị trường này chỉ xuất hiện ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển ở trình độ cao và ổn định.
  • Căn cứ vào lưu chuyển vốn:
  1. Thị trường sơ cấp: tạo ra kênh thu hút tiền nhàn rỗi để đầu tư
  2. Thị trường thứ cấp: tạo ra khả năng chuyển đổi chứng khoán thành tiền mặt dễ dàng, thuận tiện thông qua hệ thống giao dịch; Tiền thu được ở đây không thuộc về nhà phát hành mà thuộc về nhà đầu tư đã bán chứng khoán, nhượng lại quyền sở hữu chứng khoán cho nhà đầu tư khác thông qua mua-bán giao dịch.
  •  – Thị trường sơ cấp và Thị trường thứ cấp có mối quan hệ nội tại, thị trường sơ cấp là cơ sở, là tiền đề còn thị trường thứ cấp là động lực phát triển. Không có thị trường sơ cấp thì không có chứng khoán để lưu thông trên thị trường thứ cấp và ngược lại; nếu không có thị trường thứ cấp thì thị trường sơ cấp khó hoạt động thuận lợi.

– Việc phân biệt Thị trường sơ cấp và Thị trường thứ cấp có tính chất tương đối.

Mục tiêu quản lý và điều hành thị trường chứng khoán

  1. Hoạt động có hiệu quả minh bạch
  2. Điều hành công bằng
  3. Phát triển ổn định

Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán

  1. Cạnh tranh tự do cho tất cả mọi người tham gia
  2. Công khai minh bạch: Tất cả các hoạt động trên thị trường chứng khoán đều phải đảm bảo tính công khai. Sở giao dịch chứng khoán công bố các thông tin về giao dịch các chứng khoán trên thị trường. Các tổ chức niêm yết công bố công khai các thông tin tài chính định kỳ hàng năm theo 4 quý của công ty. Các sự kiện bất thường xảy ra đối với công ty, thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của giám đốc, cổ đông lớn..đều phải có báo cáo với sở giao dịch chứng khoán . Các thông tin càng được công bố công khai minh bạch, thì càng thu hút được nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán.
  3. Trung gian mua bán: Mọi hoạt động giao dịch, mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán đều được thực hiện thông qua các trung gian, hay còn gọi là các nhà môi giới ( các công ty chứng khoán). Các nhà môi giới thực hiện giao dịch theo lệnh của khách hàng và hưởng hoa hồng theo quy định. Ngoài ra, công ty chứng khoán còn có thể cung cấp các dịch vụ khác như cung cấp thông tin và tư vấn cho khách hàng trong việc đầu tư và các công cụ đòn bẩy…
  4. Giá chứng khoán được xác định thông qua việc đấu giá giữa các lệnh mua và các lệnh bán. Tất cả các thành viên tham gia thị trường đều không thể can thiệp vào việc xác định giá này.  Giá chứng khoán được xác định theo cung-cầu .

->Các nguyên tắc trên đây nhằm đảm bảo cho giá cả chứng khoán được hình thành một cách thống nhất, công bằng cho tất cả các nhà đầu tư giao dịch. Do đó, ở hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, mỗi nước chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất để quản lý. Các công ty chứng khoán có vai trò cung cấp các dịch vụ đến với nhà đầu tư ( mở tài khoản chứng khoán, tư vấn đầu tư, cung cấp vốn-margin )

Một số nước khác còn tồn tại vài Sở giao dịch chứng khoán do lịch sử để lại thì đều kết nối với nhau hoặc giao dịch những chứng khoán riêng biệt.